Mẫu Biên Bản Thanh Lý Hợp Đồng Thuê Nhà Và Những Lưu Ý

Khi bản hợp đồng thuê nhà đã hết thời hạn và bạn có nhu cầu chuyển chỗ ở đi nơi khác thì việc đầu tiên cần nghĩ đến và tiến hành đó là soạn thảo biên bản thanh lý hợp đồng thuê nhà. Vậy hợp đồng thanh lý thuê nhà là gì? Mẫu biên bản thanh lý hợp đồng thuê nhà mới nhất 2020 là như thế nào? Những quy định và lưu ý gì khi tiến hành soạn thảo biên bản này mà bạn cần quan tâm?

Biên bản thanh lý hợp đồng là gì?

Về bản chất, bạn có thể hiểu mục đích chính của việc soạn thảo biên bản thanh lý hợp đồng thuê nhà là để giúp cho bên thuê và bên cho thuê xác định trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ mà mình cần phải thực hiện dựa trên các điều khoản thanh lý hợp đồng khác nhau đã được liệt kê. Nếu trong trường hợp có xảy ra vấn đề hay hậu quả gì thì trách nhiệm giải quyết và hướng khắc phục là như thế nào.

Sau khi đã xác định và giải quyết các vấn đề có trong hợp đồng thuê nhà và ký kết bản thanh lý hợp đồng thuê nhà thì xem như việc thuê nhà sẽ chấm dứt, giữa người thuê và người cho thuê sẽ không còn liên can đến nhau về mặt pháp lý.

Nói một cách đơn giản hơn, hợp đồng thuê nhà đóng vai trò như phần “mở bài” còn biên bản thanh lý hợp đồng thuê nhà như “đoạn kết”. Tóm lại, biên bản thanh lý hợp đồng thuê nhà giữ vai trò giống như việc chốt lại hợp đồng thuê giúp tránh những rủi ro, tranh chấp về các điều khoản sau này.

Nếu không ký kết biên bản thanh lý hợp đồng thuê nhà, hai bên sẽ không có bất kì căn cứ nào để xác định việc thuê nhà với các điều khoản thuê ban đầu đã kết thúc. Gây ra những trở ngại, khó khăn rất lớn nếu có xảy ra tranh chấp hợp đồng thuê nhà về sau.

Mục đích của biên bản thanh lý

Thanh lý hợp đồng luôn đi kèm và gắn liền với hợp đồng nên nếu xét về bản chất thì mục đích của biên bản thanh lý là dùng để

  • Giúp cho hai bên xác định lại quyền và nghĩa vụ của mình theo hợp đồng là đến đâu, trách nhiệm nào còn tồn đọng, hậu quả cũng như hướng giải quyết là gì
  • Khi xác định xong những phần quyền và nghĩa vụ mà các bên đã thực hiện và có thỏa thuận với nhau xem như chấm dứt, chỉ riêng các quyền, nghĩa vụ chưa thực hiện thì vẫn còn hiệu lực.
  • Giải phóng quyền và nghĩa vụ mà các bên đã thực hiện với bên kia, tránh các tranh chấp về sau nếu có xảy ra đối  với các phần quyền và nghĩa vụ mà các bên đã thực hiện. Đây cũng chính là mục đích sâu xa của việc thanh lý hợp đồng.
  • Cả hai bên đều phải xác định các khoản thuộc trách nhiệm tài sản, hậu quả pháp lý của mình trong quan hệ hợp đồng, do phải giải quyết triệt để trước khi hợp đồng hết hiệu lực hoàn toàn.

Khi nào cần lập biên bản thanh lý hợp đồng thuê nhà

Mẫu thanh lý hợp đồng thuê nhà được dùng trong trường hợp khi đã hết thời hạn thuê nhà, và trong hợp đồng thuê ban đầu cả người thuê và người cho thuê cũng không có ý định tiếp tục gia hạn thêm thời gian thuê. Hoặc trường hợp vẫn còn thời gian thuê nhưng vì một vài lý do phải thanh lý hợp đồng trước thời hạn, đôi khi còn là hợp đồng tự thanh lý.

Các trường hợp thanh lý hợp đồng thuê nhà

Chủ thể cho thuê nhà thuộc sở hữu Nhà nước thực hiện không đúng thẩm quyền quyết định như tự ý vượt cấp, người thuê không thực hiện đúng quy định pháp luật nhất là với dạng nhà ở xã hội.

Đã hết hạn thuê nhà mà một trong hai bên thuê và cho thuê không có ý định tiếp tục gia hạn hợp đồng. Hoặc thời hạn thuê vẫn còn nhưng vì vài lý do bên thuê không muốn tiếp tục.

Trong thời gian thuê xảy ra các sự cố, nhà ở bị hư hỏng nặng không thể khắc phục, nhà nằm trong diện quy hoạch, giải tỏa, có quyết định thu hồi của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Nhà đang thuê bị Nhà nước trưng dụng, trưng mua trong những trường hợp được pháp luật quy định.

Các trường hợp hai bên có thể tự thanh lý hợp đồng

Bên cho thuê và bên thuê có điều khoản đơn phương chấm dứt hợp đồng được ghi rõ ràng trong hợp đồng thuê nhà được lập ban đầu.

Bên thuê nhà không thanh toán tiền thuê trong 3 tháng liên tiếp hoặc sử dụng nhà được thuê sai mục đích, thỏa thuận ban đầu thì bên thuê có thể đơn phương lấy lại nhà.

Bên cho thuê có căn cứ chứng minh bên thuê tự ý phá dỡ, xây dựng, cơi nới nhà , cải tạo nhà thuê… mà những việc này không được cho phép trong hợp đồng. Hoặc bên thuê tự ý cho thuê lại nhà, cho người khác mượn, tự ý di dời tài sản thuộc nhà đang thuê.

Trong khi đang sinh sống, bên thuê nhà gây ra ô nhiễm môi trường hoặc tiếng ồn làm ảnh hưởng đến các hộ lân cận, xung quanh mặc dù đã được nhắc nhở nhiều lần, lập biên bản vi phạm 3 lần mà vẫn không thay đổi thì bên cho thuê có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà.

Ngược lại, nhà đang thuê bị hư hỏng gây ảnh hưởng chất lượng môi trường sống không phải lỗi do bên thuê mà do bên cho thuê không chịu tiến hành sửa chữa thì bên thuê có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà.

Các điều khoản đã được hai bên thỏa thuận trong hợp đồng thuê nhà như giá cả, diện tích, tiện ích không được thực hiện đúng như cam kết.

Các lưu ý trước khi ký biên bản thanh lý hợp đồng thuê nhà

Đối với người cho thuê nhà

Vấn đề quan trọng nhất trước khi ký kết biên bản thanh lý hợp đồng thuê nhà là bạn cần xác định rõ hiện trạng của nhà sau khi cho thuê có gì thay đổi. Có thể là vật dụng nội thất, kết cấu tường, trần nhà… Bất cứ điều gì bạn cảm thấy có sự khác biệt thay đổi so với lúc đầu thì bạn phải ngay lập tức kiểm tra lại, xác định xem sự thay đổi có lớn hay không? Ảnh hưởng như thế nào? Và sự thay đổi này có được phép của bạn hay không? Hay đã vi phạm hợp đồng thuê nhà ban đầu?

Nếu như vấn đề phát sinh hư hỏng hoặc sự thay đổi hiện trạng không có sự cho phép của bạn hay hợp đồng thuê nhà thì có thể dựa trên mức độ hư hỏng, bạn và người thuê cần phải có thỏa thuận, trao đổi buộc người thuê khôi phục lại hiện trạng ban đầu hoặc có các biện pháp đền bù, xử lý thỏa đáng.

Tất cả các vấn đề này bao gồm sai phạm như thế nào và hình thức giải quyết đều phải được thỏa thuận, thống nhất trước khi cả 2 bên cùng ký kết vào biên bản thanh lý hợp đồng thuê nhà để tránh các vấn đề tranh chấp, mất quyền lợi về sau.

 Đối với người đi thuê nhà

Trước khi đặt bút ký vào biên bản thanh lý hợp đồng thuê nhà, nếu bên cho thuê đơn phương chấm dứt hợp đồng, bạn cần xác định lý do bên cho thuê đưa ra là gì? Có hợp lý hay không? Có vi phạm điều khoản nào trong hợp đồng thuê nhà ban đầu hay chăng để có các phương án đền bù thích hợp.

Trường hợp có thỏa thuận về việc chấm dứt hợp đồng và lập biên bản thanh lý hợp đồng thuê nhà, bạn và người cho thuê phải cùng kiểm tra lại tài sản để tránh phát sinh tranh chấp. Nếu có vấn đề và phương án bồi thường thỏa đáng thì nên lập thành văn bản rõ ràng, có chữ ký xác nhận của cả 2 bên và đính kèm biên bản thanh lý hợp đồng thuê nhà.

Nhà Lộc Phát xin gợi ý một mẹo nhỏ cho người đi thuê đó chính là: Nếu bạn đi thuê nhà thì hãy chụp vài tấm hình về hiện trạng của nhà trước khi dọn vào ở. Đặc biệt, là các vị trí dễ bị hư hỏng, có vấn đề gì thì nên ghi chú lại cùng với thời gian chụp. Điều này tuy đơn giản nhưng lại rất hữu hiệu trong việc giúp bạn giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp (nếu có xảy ra) với bên cho thuê.

Mẫu biên bản thanh lý hợp đồng thuê nhà hoàn chỉnh mới nhất 2020

Một mẫu thanh lý hợp đồng thuê nhà trước thời hạn hoặc đúng thời hạn sẽ gồm có các thông tin quan trọng sau đây:

Thông tin của 2 bên: Các bên có trách nhiệm trong biên bản thanh lý hợp đồng thuê nhà gồm bên thuê và bên cho thuê phải điền đầy đủ thông tin, rõ ràng và chính xác. Ngoài ra, trong trường hợp ủy quyền cho bên thứ 3 thực hiện biên bản thanh lý hợp đồng thuê nhà thì phải có giấy tờ chứng minh việc ủy quyền là hợp lệ, thông tin người được ủy quyền cũng phải được nêu rõ trong biên bản thanh lý hợp đồng thuê nhà.

Thông tin về hợp đồng thuê nhà: Trong biên bản thanh lý hợp đồng thuê nhà phải ghi rõ ràng thông tin về hợp đồng thuê như số hợp đồng, ngày ký kết, tài sản cho thuê…

Các điều khoản khác: Biên bản thanh lý hợp đồng thuê nhà còn các điều khoản kèm theo như ngày tháng chấm dứt hợp đồng thuê, xác nhận của hai bên về các chi phí thanh toán như tiền thuê, tiền cọc ban đầu… Xác nhận của hai bên về tình trạng nhà sau khi bàn giao.

Trong trường hợp xảy ra các vấn đề về hiện trạng nhà hoặc vi phạm điều khoản hợp đồng thì cần phải cam kết, thỏa thuận hướng giải quyết trước khi ký vào biên bản thanh lý hợp đồng thuê nhà và phải được lập thành văn bản (có xác nhận của cả 2 bên) đính kèm với biên bản thanh lý hợp đồng thuê.

Thời điểm có hiệu lực của biên bản thanh lý hợp đồng thuê: Đây là vấn đề mấu chốt cực kì quan trọng, cả 2 bên cần thỏa thuận cụ thể về ngày có hiệu lực của biên bản thanh lý hợp đồng thuê nhà.

Trên đây, là toàn bộ thông tin có liên quan đến biên bản thỏa thuận chấm dứt hợp đồng thuê nhà cùng với đó là mẫu thanh lý hợp đồng thuê mới nhất mà Nhà Lộc Phát cung cấp. Hi vọng với bài viết này những khách thuê sẽ có thêm các thông tin hữu ích cho mình.

Bài viết liên quan