Nếu ở bài viết trước Nhà Lộc Phát đã đề cập đến sổ xanh là gì? Sổ xanh là sổ do Lâm trường cấp cho người dân quản lý, khai thác và trồng rừng. Vậy thì hôm nay chúng ta hãy cùng tìm hiểu tiếp đất rừng phòng hộ là gì? Đất rừng phòng hộ có được chuyển nhượng không? Đất rừng phòng hộ có được cấp sổ đỏ không nhé!
Đất rừng là một trong những loại đất chiếm đến 3/4 diện tích đất cả nước Việt Nam và có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc phát triển kinh tế, môi trường lẫn chính trị. Do đó, các chính sách về đất rừng được quy định rõ trong Luật đất đai về rừng năm 1993, 2003, 2013 kết hợp cả Luật Bảo Vệ và Phát Triển rừng năm 2004.
Tất cả những quy định, chính sách này nhằm mục đích bảo vệ quỹ đất rừng quý giá, đảm bảo quyền, nghĩa vụ của người dân cũng như góp phần giúp chính sách quản lý đất rừng được tốt nhất.
Khái niệm đất rừng phòng hộ là gì?
Theo Luật Lâm nghiệp 2017 tại Điều 5 về việc phân loại rừng, trong đó đã ghi rõ khái niệm đất rừng phòng hộ là loại rừng được sử dụng nhằm mục đích bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống hiện tượng xói mòn, sạt lỡ, lũ quét, lũ ống, chống việc sa mạc hóa, hạn chế các thiên tai, góp phần điều hòa khí hậu, không khí, bảo vệ môi trường, quốc phòng an ninh kết hợp du lịch sinh thái, nghĩ dưỡng, giải trí đáp ứng các dịch vụ môi trường.
Phân loại đất rừng phòng hộ
- Đất rừng phòng hộ đầu nguồn: rừng bảo vệ nguồn nước cộng đồng dân cư, rừng phòng hộ biên giới.
- Đất rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển.
- Đất rừng phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái.
Những quy định về đất rừng phòng hộ
Điều 136 Luật đất đai 2013 có quy định về đất rừng phòng hộ như sau:
- Thứ nhất nhà nước giao đất rừng phòng hộ cho các tổ chức quản lý rừng phòng hộ để bảo vệ, quản lý, phát triển rừng theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất rừng phòng hộ đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, thông qua kết hợp với việc sử dụng đất vào các mục đích khác theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng.
- Thứ hai các tổ chức tiến hành giao khoán đất rừng phòng hộ cho các cá nhân hoặc gia đình, đang sinh sống ngay tại khu vực đó để bảo vệ, phát triển rừng. UBND cấp huyện giao đất ở, đất sản xuất nông nghiệp cho gia đình, cá nhân đó sử dụng.
- Thứ ba các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có khả năng, nhu cầu bảo vệ và phát triển rừng, đang sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ mà chưa có tổ chức quản lý và khu vực quy hoạch trồng rừng phòng hộ thì sẽ được nhà nước cấp cho rừng phòng hộ để bảo vệ, phát triển kết hợp sử dụng đất vào các mục đích khác theo đúng quy định của pháp luật.
- Thứ tư UBND cấp tỉnh quyết định cho tổ chức kinh tế thuê đất rừng phòng hộ thuộc khu vực được quyền kết hợp với kinh doanh cảnh quan, du lịch sinh thái, môi trường dưới tán rừng.
- Thứ năm cộng đồng cư dân được nhà nước cấp đất rừng phòng hộ theo quy định thì sẽ được giao đất để bảo vệ, phát triển. Đồng thời có quyền và nghĩa vụ theo đúng quy định của Luật bảo vệ, phát triển rừng.
Các quy định về việc chuyển đổi đất rừng phòng hộ
Chuyển đổi đất rừng phòng hộ sang loại đất rừng khác
Điều 18 Luật lâm nghiệp 2017 có quy định việc chuyển đất rừng phòng hộ sang loại đất rừng khác chỉ được chấp thuận khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
- Phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp
- Đáp ứng được các tiêu chí phân loại rừng
- Có phương án chuyển loại rừng
Cơ quan có thẩm quyền quyết định chuyển đổi đất rừng phòng hộ quy định như sau:
- Thủ tướng, chính phủ quyết định chuyển đổi đất rừng phòng hộ đối với khu rừng do Thủ tướng chính phủ thành lập theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn.
- Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định chuyển đổi đất rừng phòng hộ không thuộc trường hợp quy định tại mục như trên, sau khi đã được Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định chủ trương chuyển loại rừng.
Chuyển đổi đất rừng phòng hộ sang mục đích sử dụng khác
Bên cạnh các điều kiện chuyển đổi đất rừng phòng hộ đã được quy định tại Điều 19 Luật lâm nghiệp 2017. Việc chuyển đổi đất rừng phòng hộ sang các mục đích sử dụng khác thuộc trường hợp cần phải xin phép cơ quan có thẩm quyền tại Điều 57 Luật đất đai 2013.
Như vậy, đất rừng phòng hộ có thể được phép chuyển đổi sang sử dụng cho mục đích khác thuộc nhóm đất nông nghiệp hoặc đất phi nông nghiệp.
Tuy nhiên, Điều 58 Luật đất đai có quy định chi tiết đối với việc chuyển đổi mục đích sử dụng thành các dự án đầu tư
Các dự án có sử dụng nguồn tài nguyên là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ hay rừng đặc dụng vào các mục tiêu khác không thuộc trường hợp được Quốc hội hay Thủ tướng chính phủ đồng ý chấp thuận và quyết định thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được phép quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng khi có một trong hai văn bản sau đây:
- Văn bản chấp thuận của Thủ tướng chính phủ đối với trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng từ 10ha đất trồng lúa trở lên và từ 20ha đối với đất rừng phòng hộ, đặc dụng.
- Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng đất dưới 10ha đất trồng lúa, dưới 20ha đối với đất rừng phòng hộ, đặc dụng.
Đất rừng phòng hộ có được chuyển nhượng không?
Hiện nay, không ít người có nhu cầu giao dịch đất rừng phòng hộ. Tuy nhiên, đất rừng phòng hộ có được chuyển nhượng không? Đối tượng và trường hợp nào được phép chuyển nhượng đất rừng phòng hộ?
Các trường hợp được phép chuyển nhượng đất rừng phòng hộ
Chuyển nhượng là một trong các giao dịch đất đai vô cùng quan trọng, có ý nghĩa và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của cả hai bên. Việc thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất cần phải đảm bảo tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật đang hiện hành.
Theo các quy định của Luật đất đai 2013 cá nhân, hộ gia đình muốn thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bắt buộc phải đáp ứng đủ 4 điều kiện tại Điều 188 của luật này.
Theo đó, cần phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không tranh chấp, không bị kê biên thi hành án và vẫn còn trong thời hạn sử dụng đất. Ngoài ra, các cá nhân, hộ gia đình muốn chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng phòng hộ còn cần phải thực hiện thủ tục cấp sổ đỏ cho đất rừng.
Quyền sử dụng đất rừng phòng hộ và đối tượng nhận chuyển nhượng không thuộc các trường hợp cấm theo quy định tại Điều 191 Luật đất đai 2013. Điều kiện thứ hai để đất rừng phòng hộ có được chuyển nhượng là cần đáp ứng đối tượng và phạm vi chuyển nhượng. Theo đó:
- Các tổ chức kinh tế không được phép nhận chuyển nhượng đất rừng phòng hộ trừ trường hợp có sự phê duyệt của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Các hộ gia đình hay cá nhân muốn chuyển nhượng đất rừng phòng hộ bắt buộc phải sinh sống trong khu vực rừng đó.
Những lưu ý khi chuyển nhượng đất rừng phòng hộ
Cần phải biết rằng đất rừng phòng hộ là một trong các loại đất đặc biệt được điều chỉnh và quy định bởi Luật đất đai – Luật lâm nghiệp cùng các văn bản hướng dẫn khác có tính chất pháp lý riêng biệt, nếu không có kinh nghiệm lại không tìm hiểu kỹ càng bạn sẽ rất dễ nhầm lẫn đối với người sử dụng hoặc các tổ chức, cơ quan đóng vai trò quản lý.
Vì vậy để đảm bảo an toàn khi thực hiện các giao dịch, mua bán, chuyển nhượng đất rừng phòng hộ bạn cần lưu ý vài vấn đề sau đây:
- Xác minh tính minh bạch của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận đó là thật hay giả, có được cấp theo đúng trinh tự, thủ tục, quy định của luật pháp không, thông tin ghi nhận trên sổ có đúng với thực tế. Nếu cần thiết và để đảm bảo an toàn các cá nhân có thể kiểm tra thông tin này tại các cơ quan có thẩm quyền.
- Tính chính chủ của quyền sử dụng đất, người đứng ra chuyển nhượng phải là cá nhân được cấp quyền sử dụng đất hoặc đáp ứng đủ điều kiện để được phép cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đai. Nếu không phải là “chính chủ” phải có giấy ủy quyền mua bán (giấy ủy quyền phải đúng quy định về hình thức và được công chứng chứng thực).
- Nghĩa vụ tài chính ở thời điểm chuyển nhượng đất rừng phòng hộ: khi tiến hành giao dịch, các nghĩa vụ tài chính liên quan đến việc sử dụng đất cần phải được thực hiện đầy đủ trước khi cấp giấy chứng nhận mới cho người nhận chuyển nhượng.
- Các bên cần sử dụng hợp đồng mua bán không vi phạm điều cấm của pháp luật, cân đối điều khoản, nội dung chặt chẽ, thỏa thuận rõ ràng về giá, quyền, nghĩa vụ các bên, phương thức giải quyết khi có tranh chấp…
Đất rừng phòng hộ chuyển nhượng bằng giấy viết tay
Hiện nay, không ít các giao dịch, mua bán nhà đất bằng giấy viết tay trong đó có cả chuyển nhượng đất rừng phòng hộ. Vậy loại giấy này có đủ căn cứ pháp lý ghi nhận quyền, nghĩa vụ các bên với phần đất chuyển nhượng hay không?
Những lưu ý khi chuyển nhượng đất rừng phòng hộ 2020
Điều 82 Nghị định 43/2014/NĐ-CP đã thể hiện rõ có 2 trường hợp mua bán, chuyển nhượng đất bằng giấy viết tay được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất gồm:
- Nhận chuyển nhượng giao dịch trước ngày 1/1/2008
- Đối tượng nhận chuyển nhượng giao dịch đất từ ngày 1/1/2008 đến trước ngày 1/7/2014 có giấy tờ về quyền sử dụng đất theo đúng quy định pháp luật tại Điều 100 của Luật đất đai 2013.
Đối với các trường hợp này, người nhận chuyển nhượng không nhất thiết phải cung cấp các văn bản, hợp đồng theo quy định hiện hành về chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Đất rừng phòng hộ có được cấp sổ đỏ không?
Như đã đề cập để có thể thực hiện thủ tục chuyển nhượng đất rừng phòng hộ thì trước đó đất rừng phòng hộ phải được cấp sổ đỏ. Vậy đất rừng phòng hộ có được cấp sổ đỏ không?
Trước đây, khi giao đất rừng người dân hay hộ gia đình sẽ được Lâm trường cấp sổ xanh. Tuy nhiên, sự thay đổi về hệ thống các quy định, một số trường hợp chưa có giấy tờ xác nhận, người dân có nguyện vọng ghi nhận quyền lợi mình theo mẫu sổ hiện hành. Một vài trường hợp vẫn cho rằng sổ xanh là sổ đỏ nhưng đây chỉ là cách gọi quen, không đúng, dễ gây nhẫm lần và tính chất pháp lý.
Các quy định về việc đất rừng phòng hộ có được cấp sổ đỏ không vẫn tuân thủ các điều khoản trong Luật đất đai và một số trường hợp hướng dẫn chi tiết, cụ thể.
Các trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Điều 99 Luật đất đai 2013 nêu rõ các trường hợp được cấp sổ đỏ như sau:
- Chủ sở hữu đã và đang sử dụng đất có đầy đủ các điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà và các tài sản khác gắn liền với đất theo đúng quy định của pháp luật đã sghi rõ tại Điều 100, 101, 102.
- Người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất từ sau ngày Luật có hiệu lực thi hành.
- Người được phép chuyển đổi, nhận chuyển nhượng đất hoặc nhận từ thừa kế, nhận tặng quyền sử dụng đất ở, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất ở, người nhận quyền sử dụng đất đai khi xử lý hợp đồng thế chấp bằng quyền sử dụng đất để thu hồi nợ.
- Người được sử dụng đất theo kết quả hòa giải đối với tranh chấp đất đai, theo bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án, quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành.
- Người trúng đấu giá quyền sử dụng đất
- Người sử dụng đất trong khu CN, cụm CN, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
- Những người đã và đang mua nhà để cùng các tài sản khác gắn liền với đất
- Người được nhà nước thanh lý hóa giá nhà gắn liền với đất ở, người mua nhà thuộc sở hữu nhà nước.
- Những người thuộc diện sử dụng đất tách, hợp thửa hoặc một nhóm người sử dụng đất hay là các thành viên thuộc hộ gia đình, hai vợ chồng, tổ chức sử dụng đất tiến hành chia tách hoặc hợp nhất quyền sử dụng đất hiện có.
- Chủ sở hữu đất đang sử dụng có yêu cầu đề nghị cấp đổi mới hoặc cấp lại giấy chứng nhận đã mất.
Tùy từng trường hợp người sử dụng đất có thể xin cấp sổ đỏ theo diện có giấy tờ về quyền sử dụng đất, không có giấy tờ nhưng chứng minh được tính sử dụng lâu dài, ổn định hoặc các trường hợp còn lại.
Theo quy định mới nhất đất rừng phòng hộ có được cấp sổ đỏ không?
Điều 99 Luật đất đai 2013 kể trên chỉ là điều kiện chung có các trường hợp sử dụng đất. Riêng đất rừng phòng hộ cần xem xét thêm một số quy định liên quan. Tại Điều 19 Nghị định 43/2014/NĐ-CP về 7 trường hợp không được cấp sổ đỏ như sau:
- Người quản lý, sử dụng đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn
- Người thuê tiến hành thuê lại đất của người sử dụng đất trừ những trường hợp tiến hành thuê lại đất của nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh, kết cấu hạ tầng trong các khu CN, cụm khu công nghiệp hay khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế.
- Người được nhận khoán đất trong nông – lâm trường và ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng.
- Người đang sử dụng đất không đủ điều kiện cấp sổ đỏ.
- Người sử dụng đất có điều kiện cấp sổ đỏ nhưng có thông báo hoặc quyết định giải tỏa, thu hồi đất từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Tổ chức, UBND cấp xã được Nhà nước giao đất, không thu tiền sử dụng đất để sử dụng vào vào mục đích xây dựng công trình công cộng gồm đường giao thông, công trình dẫn nước, dẫn xăng, dầu, khí, đường truyền tải điện, truyền dẫn thông tin, khu vui chơi giải trí ngoài trời, nghĩa trang, nghĩa địa không nằm trong hình thức kinh doanh.
- Tổ chức, cộng đồng dân cư được Nhà nước giao đất để quản lý.
Đất rừng phòng hộ được sử dụng dưới mục đích đất nhận khoán, thuộc quỹ đất công ích, đã có quyết định thu hồi nhằm phục vụ cho các công trình xây dựng công cộng hoặc các trường hợp bị giới hạn khác có đề cập tại Điều 99 Luật đất đai 2013 thì sẽ không được cấp sổ đỏ.
Tóm lại việc đất rừng phòng hộ có được cấp sổ đỏ không phụ thuộc chủ yếu vào người sử dụng đất có đáp ứng được đầy đủ các điều kiện chung về việc cấp giấy chứng nhận và không mắc các trường hợp cấm theo pháp luật hay không. Nếu thuộc trường hợp cấm không được cấp sổ đỏ thì việc chuyển nhượng đất rừng phòng hộ cũng không được phép thực hiện.
Trên đây là toàn bộ thông tin có liên quan đến đất rừng phòng hộ mới nhất 2020 mà nhà lộc phát đã cung cấp cho các bạn bao gồm khái niệm đất rừng phòng hộ là gì? Đất rừng phòng hộ có được chuyển nhượng không? Đất rừng phòng hộ có được cấp sổ đỏ không? Hi vọng với bài viết này mọi người sẽ có thêm kiến thức về pháp lý bất động sản Việt Nam.