Pháp luật đất đai của Việt Nam đã quy định rõ không phải loại đất nào người dân cũng được phép xây dựng nhà ở. Vậy đất trồng cây hàng năm có được xây nhà không? Xây nhà trên đất trồng cây hàng năm cần thủ tục gì? Mời mọi người theo dõi bài viết sau đây để có cái nhìn cụ thể và rõ ràng hơn nhé!
Đất trồng cây hàng năm có được xây nhà không?
Căn cứ theo các quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 57 của Luật Đất Đai 2013, đất trồng cây hàng năm muốn xây nhà thì bắt buộc phải chuyển đổi sang đất thổ cư (đất dùng cho mục đích để ở và có thể xây dựng các công trình nhà ở trên đó) và có sự đồng ý, cho phép của các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Đối với đất trồng lúa như đã biết Nhà nước luôn có các chính sách bảo vệ đặc biệt nhằm hạn chế việc chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất trồng lúa sang sử dụng cho các mục đích phi nông nghiệp. Trong trường hợp, bắt buộc phải chuyển một phần diện tích đất trồng lúa sang sử dụng mục đích khác thì Nhà nước sẽ có các biện pháp bổ sung lại cho phần diện tích thiếu hụt hoặc có cách tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa còn lại.
Ngoài ra, Nhà nước cũng có những chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, áp dụng khoa học và công nghệ hiện đại cho những vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao. Do đó, trường hợp đất trồng lúa (thuộc đất trồng cây hàng năm) chuyển sang đất thổ cư để xây dựng nhà ở cũng bị hạn chế đi phần nào. Vì dù sao, nền nông nghiệp trồng lúa cũng là truyền thống lâu đời của nước ta và cho đến nay thì đây vẫn là mũi nhọn kinh tế chủ lực đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển đất nước.
Người sử dụng đất trồng lúa có trách nhiệm cải tạo, làm tăng độ màu mỡ của đất. Không được phép chuyển từ đất trồng cây hàng năm sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng phòng hộ, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối và đất sử dụng cho các mục đích phi nông nghiệp nếu không được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép và chấp thuận. Người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất trồng lúa thì phải nộp một khoản tiền để Nhà nước bổ sung cho phần diện tích đất trồng lúa bị hao hụt hoặc làm tăng hiệu quả sử dụng của phần đất trồng lúa còn lại theo quy định của chính phủ.
Xây nhà trên đất trồng cây hàng năm có bị xử phạt không?
Như đã đề cập ở bài trước đó, để xây nhà trên đất trồng cây hàng năm thì người sử dụng, chủ sở hữu tài sản phải thực hiện thủ tục chuyển đất trồng cây hàng năm sang đất ở. Nếu không khi tự ý xây dựng nhà ở mà chưa thực hiện chuyển đổi sẽ bị xem là hành vi vi phạm trong lĩnh vực đất đai. Về mức xử phạt cũng đã được quy định cụ thể trong Nghị Định 102/2014/NĐ-CP.
Nếu bạn tự ý xây dựng nhà cửa mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép thì theo quy định tại Khoản 3 Điều 6 của Nghị Định 102/2014/NĐ-CP về việc chuyển mục đích sử dụng từ đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp sẽ có mức xử phạt như sau:
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích sử dụng trái phép dưới 0.5 hecta.
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích sử dụng trái phép trong khoảng từ 0.5 đến dưới 3 hecta.
- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến trên 50.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép trên 3 hecta.
Ngoài việc bị xử phạt hành chính bạn còn buộc phải khắc phục các vấn đề sai phạm mà mình đã gây ra gồm:
- Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi có hành vi vi phạm tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này.
- Buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do hành vi vi phạm quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 của Điều này.
Để xây nhà trên đất trồng cây hàng năm không bị xử phạt cần làm gì?
Bạn có thể chuyển mục đích sử dụng từ đất trồng cây hàng năm (đất nông nghiệp) sang đất ở (đất phi nông nghiệp) nếu mảnh đất đó phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và trường hợp này phải được sự đồng thuận của cơ quan chức năng Nhà nước có thẩm quyền cho phép thì bạn sẽ không bị xử phạt.
Đăng ký chuyển đổi mục đích sử dụng được hướng dẫn tại Điều 11 Thông Tư số 02/2015/TT-BTNMT theo Nghị Định số 43/2014/NĐ-CP và Nghị Định số 44/2014/NĐ-CP tại Điều 11 về đăng ký chuyển đổi mục đích sử dụng.
Theo đó người sử dụng đất muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất cần chuẩn bị sẵn bộ hồ sơ gồm:
- Đơn đăng ký biến động đất đai theo mẫu 09/ĐK ban hành kèm Thông Tư số 24/2014/TT-BTNMT.
- Các loại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản.
Người sử dụng đất sẽ nộp toàn bộ hồ sơ đã chuẩn bị tại nơi tiếp nhận hồ sơ theo quy định tại các Khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 60 của Nghị Định số 43/2014/NĐ-CP.
Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm xem xét bộ hồ sơ, xác minh thực địa (nếu cần thiết), xác nhận vào đơn đăng ký, xác nhận mục đích sử dụng đất mới vào Giấy chứng nhận và cập nhật biến động vào sổ địa chính cũng như cơ sở dữ liệu đất đai. Cuối cùng trao giấy chứng nhận mới cho người nộp hồ sơ hoặc giao cho UBND xã để trao lại cho người nộp.
Sau khi đã chuyển mục đích sử dụng, kế tiếp bạn cần xin giấy phép xây dựng công trình nhà ở để tránh mọi vi phạm có thể xảy ra.
Bộ hồ sơ đề nghị cấp phép xây dựng mới gồm:
- Đơn đề nghị cấp phép xây dựng
- Bản sao một trong những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai (chính là giấy chứng nhận mới vừa thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng xong).
- Bản vẽ thiết kế xây dựng
- Đối với các công trình xây dựng có công trình liền kề phải có bản cam kết đảm bảo an toàn cho công trình kế bên trong quá trình xây dựng.
Như vậy, qua bài viết này bạn đã trả lời được câu hỏi đất trồng cây hàng năm có được xây nhà không? Cũng như xây nhà trên đất trồng cây hàng năm cần phải làm gì? Nếu không sẽ bị xử phạt như thế nào? Hi vọng với những thông tin này, mọi người sẽ giải quyết được các vấn đề pháp lý liên quan đến đất đai mà mình đang mắc phải. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý kĩ mọi cá nhân, hộ gia đình muốn xây nhà phải thực hiện thủ tục chuyển đổi và xem kĩ bản đồ quy hoạch của địa phương về khả năng lên thổ cư để tránh mất đi công sức cũng như thời gian vô ích. Pháp luật đã quy định rõ ràng và chúng ta mỗi công dân có trách nhiệm phải thực hiện đúng để đảm bảo quyền lợi của chính bản thân mình.