Thủ tục chuyển hộ khẩu từ quận này sang quận khác mặc dù đã được pháp luật Việt Nam quy định rất rõ ràng nhưng thực tế không ít người gặp phiền toái khi thực hiện. Bài viết dưới đây của Nhà Lộc Phát sẽ hướng dẫn mọi người trình tự chi tiết khi tiến hành thủ tục chuyển hộ khẩu tại TPHCM và hồ sơ cần chuẩn bị là gì.
Vì sao cần phải thực hiện chuyển hộ khẩu sang quận khác?
Từ trước đến nay việc đăng ký tạm trú hay thường trú là cách để các cơ quan chức năng Nhà nước có thể theo dõi, kiểm soát tình trạng cư ngụ của người dân tại một quận, huyện, tỉnh hay thành phố nào đó.
Nếu bạn đang ở một quận nào đó tại Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng mà có nhu cầu hoặc đã chuyển sang một quận, huyện khác trên 12 tháng thì bắt buộc phải đăng ký thủ tục chuyển hộ khẩu. Nếu không, bạn có thể bị xử phạt hành chính và ảnh hưởng đến cả các thủ tục làm giấy tờ khác về sau.
Căn cứ vào đâu để quy định thủ tục chuyển hộ khẩu từ quận này sang quận khác?
Căn cứ vào:
- Luật Cư Trú số 81/2006/QH11
- Luật Cư Trú đã được sửa đổi số 36/2013/QH13
- Thông Tư số 35/2014/TT-BCA
Theo đó, người dân hay gọi thủ tục chuyển hộ khẩu từ quận này sang quận khác là thủ tục cắt nhập hộ khẩu. Tuy nhiên, cần biết rằng cách gọi này chỉ đúng với việc chuyển hộ khẩu ở ngoài phạm vi xã, thị trấn của huyện; ngoài phạm vi huyện, quận, thị xã của thành phố trực thuộc Trung ương, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Còn trong phạm vi xã, thị trấn của huyện thuộc tỉnh; chuyển đi trong cùng một quận, huyện, thị xã của thành phố trực thuộc Trung ương, chuyển đi trong cùng một thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh thì chỉ cần điều chỉnh thay đổi trong sổ hộ khẩu là được.
Các đối tượng được phép tiến hành thủ tục cắt chuyển hộ khẩu
Theo các quy định đang được ban hành cùng những vấn đề đã nêu ra ở mục 1 và 2, việc chuyển hộ khẩu từ quận này sang quận khác được áp dụng đối với các trường hợp cụ thể và cho các đối tượng như sau:
- Công dân có nhu cầu chuyển đi ngoài phạm vi xã, thị trấn thuộc huyện
- Công dân có nhu cầu chuyển đi ngoài phạm vi thị xã, thành phố thuộc tỉnh
- Người cần chuyển đi ngoài phạm vi huyện, quận, thị xã của thành phố trực thuộc Trung ương (TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng, TP Hải Phòng và TP Cần Thơ).
Thủ tục chuyển hộ khẩu từ quận này sang quận khác TPHCM
Đối với trường hợp này, người dân cần phải tuần tự thực hiện các thủ tục khác nhau gồm thủ tục cắt khẩu (cấp giấy chuyển hộ khẩu), sau đó sẽ là nhập khẩu (đăng ký thường trú) ở nơi ở hợp pháp mới và cuối cùng là xóa đăng ký thường trú tại nơi ở cũ.
Thủ tục cấp giấy chuyển hộ khẩu sang quận khác (cắt khẩu)
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu
- Trường hợp cả hộ gia đình cùng chuyển nơi thường trú thì ghi rõ vào giấy chuyển hộ khẩu và sổ hộ khẩu là chuyển đi cả hộ để cơ quan Công an nơi chuyển đến tiến hành thu hồi sổ hộ khẩu cũ khi tiến hành cấp sổ hộ khẩu mới
- Nếu chỉ chuyển một người hoặc một số người trong hộ thì ghi rõ vào trang điều chỉnh với những nội dung như thông tin người chuyển đi, thời gian được cấp giấy chuyển hộ khẩu, địa chỉ nơi chuyển đến hợp pháp mới.
Sổ hộ khẩu hoặc các loại giấy tờ có liên quan, giấy chứng nhận nhân khẩu cũ đã được cấp trước đây.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Công an xã, thị trấn: đối với trường hợp chuyển đi nằm ngoài phạm vi xã, thị trấn của huyện thuộc tỉnh và ngoài phạm vi tỉnh.
Công an huyện, quận, thị xã thành phố trực thuộc Trung ương, Trưởng Công an thị xã thành phố thuộc tỉnh: đối với trường hợp chuyển đi ngoài phạm vi huyện, quận, thị xã thành phố thuộc Trung ương, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Nếu hồ sơ đã đủ điều kiện nhưng thiếu vài thành phần hoặc biểu mẫu, giấy tờ kê khai chưa đúng, chưa đầy đủ thì cán bộ tiếp nhận sẽ hướng dẫn cho người nộp.
Nếu hồ sơ không đủ điều kiện, không hợp lệ thì không tiếp nhận và trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do không tiếp nhận.
Thời gian giải quyết hồ sơ sẽ là 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Công an sẽ cấp giấy chuyển hộ khẩu cho công dân.
Bước 3: Nhận giấy chuyển hộ khẩu
Người nhận kết quả đưa biên nhận cho cán bộ và nhận kết quả cùng phiếu nộp lệ phí (trừ một số trường hợp được miễn). Mức nộp lệ phí sẽ tùy thuộc vào quy định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Người nhận đem phiếu nộp lệ phí đến nộp cho cán bộ thu phí, nhận biên lai thu tiền. Cán bộ trả kết quả sẽ kiểm tra lại biên lai, yêu cầu ký nhận và trả giấy chuyển hộ khẩu cùng hồ sơ cho người đến nhận kết quả.
Thủ tục đăng ký thường trú (xin nhập hộ khẩu)
Sau khi, đã được cấp giấy chuyển hộ khẩu, công dân sẽ tiến hành thủ tục xin nhập hộ khẩu tại nơi ở mới như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu
- Bản khai nhân khẩu đối với công dân 14 tuổi trở lên
- Giấy chuyển hộ khẩu
- Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở mới là hợp pháp
- Trong trường hợp, chỗ ở mới là thuê, ở nhờ, mượn thì phải được chủ cho thuê, người cho mượn, đồng ý đăng ký thường trú và ghi vào phiếu thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu có ký xác nhận và ghi rõ họ tên.
- Trường hợp người cho thuê, cho mượn đã có ý kiến bằng văn bản đồng ý cho đăng ký thường trú vào chỗ ở của mình thì không cần phải ghi vào phiếu thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu.
- Ngoài ra, chỗ ở hợp pháp tại thành phố trực thuộc Trung ương phải có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn (UBND cấp xã) về điều kiện diện tích tổi thiểu theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương.
Lưu ý: Một số trường hợp không phải xuất trình giấy tờ, chứng minh chỗ ở hợp pháp nhưng phải xuất trình giấy tờ chứng minh hoặc xác nhận của UBND cấp xã về mối quan hệ đó. Chẳng hạn như ông, bà, cha, mẹ, con, anh, chị, em, cô, dì, chú, bác… ruột thịt chuyển đến ở với nhau. Hoặc người chưa thành niên, không có cha mẹ, cha mẹ không có khả năng nuôi dưỡng, người khuyết tật mất khả năng lao động, người bị tâm thần hoặc mất nhận thức.
Bước 2: Nộp hồ sơ
- Công an xã, thị trấn hoặc Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh đối với tỉnh
- Công an quận, huyện, thị xã đối với thành phố trực thuộc Trung ương
- Trường hợp hồ sơ đầy đủ và hợp lệ thì viết giấy biên nhân, nếu chưa đủ hồ sơ do thiếu thành phần hồ sơ, biểu mẫu thì cán bộ tiếp nhận sẽ có nhiệm vụ hướng dẫn người nộp. Còn hồ sơ không hợp lệ, không đủ điều kiện thì không tiếp nhận và trả lời bằng văn bản ghi rõ lý do từ chối tiếp nhận.
- Thời gian giải quyết sẽ là 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận bộ hồ sơ đầy đủ
Bước 3: Trả kết quả xin nhập hộ khẩu
Trường hợp được hồ sơ được giải quyết thì nộp lệ phí và nhận hồ sơ, kiểm tra lại giấy tờ, tài liệu, đối chiếu các thông tin được ghi chú trong sổ hộ khẩu, giấy tờ khác và ký nhận vào sổ theo dõi giải quyết hộ khẩu.
Trường hợp hồ sơ không được giải quyết, nhận lại bộ hồ sơ đã nộp, kiểm tra giấy tờ, tài liệu có trong hồ sơ, nhận văn bản về việc không giải quyết đăng ký cư trú và kí nhận vào sổ theo dõi giải quyết hộ khẩu.
Xóa đăng ký thường trú
Xóa đăng ký thường trú là công việc của cơ quan có thẩm quyền dùng để xóa tên người đã đăng ký thường trú trong sổ hộ khẩu và sổ đăng ký thường trú.
Trường hợp đã đăng ký thường trú ở nơi cư trú mới thì phải thực hiện thủ tục xóa đăng ký thường trú cụ thể:
- Đối với các xã, thị trấn thuộc huyện thuộc tỉnh
Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận thông báo đã đăng ký thường trú, công dân phải đến Công an nơi đã di chuyển để làm thủ tục xóa đăng ký thường trú hoặc đại diện hộ gia đình mang theo sổ hộ khẩu đến làm thủ tục xóa tên trong sổ đăng ký thường trú, xóa tên trong sổ hộ khẩu.
- Đối với các quận, huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, thị xã, thành phố thuộc tỉnh
Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận thông báo đã đăng ký thường trú, công dân phải đến Công an nơi đã di chuyển để làm thủ tục xóa đăng ký thường trú hoặc đại diện hộ gia đình mang theo sổ hộ khẩu đến làm thủ tục xóa tên trong sổ đăng ký thường trú, xóa tên trong sổ hộ khẩu.
Lưu ý: Quá 60 ngày kể từ ngày có người thuộc diện xóa đăng ký thường trú mà đại diện hộ gia đình không làm thủ tục thì Công an, xã, phường, thị trấn sẽ lập biên bản, yêu cầu hộ gia đình phải làm thủ tục xóa đăng ký thường trú.
Sau thời hạn 30 ngày kể từ ngày lập biên bản, nếu đại diện hộ gia đình vẫn không làm thủ tục xóa đăng ký thường trú thì Công an xã, thị trấn thuộc huyện, Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Công an quận, huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương sẽ tiến hành xóa đăng ký thường trú.
Trên đây là toàn bộ quy trình, thủ tục, hồ sơ cần để thực hiện thủ tục chuyển hộ khẩu từ quận này sang quận khác. Hi vọng với bài viết này, Nhà Lộc Phát đã giúp mọi người có thêm những kiến thức quan trọng và cần thiết. Đừng quên ghé thăm trang web nhalocphat.vn mỗi ngày để cập nhật các tin tức mới nhất nhé!